Ngày đăng:
10/10/2024
9
| Đọc bài viết |Ngày 9/10, các bác sỹ Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã được học lý thuyết và thực hành lâm sàng kỹ thuật thay máu sơ sinh dưới sự hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” từ TS.BS Hồ Tấn Thanh Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, cùng các bác sĩ khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố - TP Hồ Chí Minh.
Tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển chuyên sâu mũi nhọn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum thực hiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật thay máu sơ sinh. Đây là phương pháp được chỉ định cho trẻ bị vàng da bệnh lý ở mức độ nặng có nguy cơ tổn thương não.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum tiếp đón Đoàn công tác Bệnh viện Nhi đồng Thành phố về chuyển giao kỹ thuật thay máu sơ sinh.
Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng khá phổ biến. Đối với hầu hết trẻ sơ sinh thì vàng da là 1 hiện tượng sinh lý, xuất hiện 24h sau sinh và thường tự hết sau 01 tuần (đối với trẻ đủ tháng) hoặc xấp xỉ 02 tuần đối với trẻ sinh non (< 36 tuần tuổi). Tuy nhiên nếu trẻ sơ sinh có các biểu hiện bất thường như: Vàng da đậm xuất hiện sớm; Không hết vàng da sau 01 tuần với trẻ đủ tháng và 02 tuần đối với trẻ non tháng; Mức độ vàng toàn thân và cả mắt; Vàng da kết hợp các triệu chứng bất thường khác như bỏ bú, li bì, khóc nhiều…; Xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng cao hơn bình thường thì đó là biểu hiện của vàng da bệnh lý và cần sớm đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa để điều trị kịp thời bằng các phương pháp như chiếu đèn hoặc kết hợp thay máu đối với vàng da bệnh lý mức độ nặng.
Theo TS.BS Hồ Tấn Thanh Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh đặc biệt nguy hiểm, diễn biến nhanh. Nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm như Bilirubin não cấp tính (ngủ li bì, khóc thét, bỏ bú, sốt cao, xoắn vặn, co giật); Vàng da nhân (Bilirubin tự do trong máu quá cao khiến gan không đào thải kịp, có nguy cơ thấm vào não gây nhiễm độc thần kinh và để lại những di chứng nặng nề như bại não hoặc chậm phát triển trí tuệ, thậm chí có thể tử vong.
TS.BS Hồ Tấn Thanh Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố giảng và hướng dẫn cho các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum
BSCKI Hà Anh Đức, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: “Bên cạnh nhiều trường hợp bệnh nhi vàng da được điều trị an toàn, hiệu quả bằng phương pháp chiếu đèn, thì ở Khoa Nhi, chúng tôi cũng có trường hợp trẻ vàng da mức độ nặng, nồng độ Bilirubin trong máu quá cao không thể giảm dù đã chiếu đèn tích cực. Vì vậy, chúng tôi tiếp nhận kỹ thuật thay máu, mong sao bệnh nhi vẫn được thụ hưởng kỹ thuật y tế cao, chuyên sâu”.
Việc áp dụng 02 phương pháp để điều trị vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh là chiếu đèn và thay máu giúp tăng khả năng cứu chữa cho các bệnh nhi, khẳng định năng lực chuyên môn, nỗ lực phát triển chuyên sâu mũi nhọn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum./.